Long Thành sẵn sàng đón nhận các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia
19 Tháng 5, 2021
Ngoài “siêu dự án” Sân bay Long Thành sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2021, hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia đang được triển khai tại trung tâm Long Thành – tỉnh Đồng Nai hứa hẹn sẽ tạo sức bật phát triển mạnh mẽ tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Kỳ vọng “siêu dự án” sân bay Long Thành
Tỉnh Đồng Nai đang khẩn trương triển khai các hoạt động chuẩn bị cho “siêu dự án” sân bay Long Thành “cất cánh”. Giữa tháng 4/2020, UBND tỉnh Đồng Nai đã động thổ xây dựng các hạ tầng kỹ thuật của Khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn thuộc Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành. Đây là dự án công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia phục vụ tái định cư cho khoảng 700 hộ dân trong vùng ưu tiên giải phóng mặt bằng 1.810ha để tiến tới cột mốc quan trọng là bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư khởi công giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành vào tháng 10.2020.
Ông Cao Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, việc khởi công thể hiện quyết tâm của chính quyền tỉnh Đồng Nai. Đây là dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề để thực hiện các bước tiếp theo của Dự án xây dựng sân bay Long Thành. Do đó, việc thi công khu tái định cư phải được tiến hành nhanh, nhưng phải bảo đảm chất lượng, bố trí lực lượng xây dựng cả ngày lẫn đêm.
Sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, được Chính phủ quyết định đầu tư xây dựng công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia tại tỉnh Đồng Nai, nhằm phát triển ngành vận tải hàng không Việt Nam, giúp tăng cạnh tranh Quốc tế, tăng kết nối Việt Nam với thế giới, tạo đà phát triển toàn diện khu vực Nam Bộ và cả nước nói chung.
“Siêu dự án” này được mong chờ sẽ là cú hích cho Đồng Nai và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được quy hoạch và định hướng theo mô hình “thành phố sân bay” đầu tiên của Việt Nam.
Sức bật từ các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia
Để đáp ứng tất cả 100 triệu lượt khách mỗi năm đổ dồn vào sân bay Quốc tế Long Thành, hạ tầng giao thông tại Đồng Nai được đặt lên hàng đầu.
Về đường bộ, việc triển khai giai đoạn tiếp theo của dự án cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây là rất cấp thiết do đây là tuyến giao thông trục chính kết nối với sân bay Long Thành. Ông Cao Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: “Để đảm bảo kết nối giao thông đồng bộ khi dự án sân bay Long Thành đi vào khai thác, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đầu tư mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây theo quy hoạch đã được phê duyệt từ trước lên 10 – 12 làn xe”.
Liền với đó, Quốc lộ 51 từ Biên Hòa đến Vũng Tàu dài 73,6 km, cũng cần hoàn thiện mở rộng, nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp I, quy mô 6 làn xe. Ngoài ra, đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Vành đai 4 cũng đã được quy hoạch xây dựng.
Các dự án như cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết (khởi công vào quý III/2020), Dầu Giây – Liên Khương cũng đã được Chính phủ chú trọng triển khai, dần hoàn thiện cao tốc Bắc Nam. Khi đó, trung tâm Long Thành cũng được hưởng lợi vì kết nối với các thành phố lớn có tiềm năng mạnh về du lịch như Phan Thiết, Đà Lạt….
Về đường biển, cầu Phước An kết nối Khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải với cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành đang được UBND Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tích cực triển khai. Nhóm cảng biển số 5 theo quy hoạch sẽ hình thành ba cụm cảng chính, trong đó, khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải được chú trọng phát triển thành cảng cửa ngõ Quốc tế, đồng thời là động lực phát triển kinh tế cho cả khu vực.
Đây là những công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia quan trọng nhất và có liên đới với sự hình thành thế kiềng 3 chân vững chắc cho logistics gồm sân bay Quốc tế Long Thành, Cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải và nút giao cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây với quốc lộ 51.
Trung tâm Long Thành hứa hẹn sẽ là nơi giao thương hàng hóa sôi động, trung tâm kinh tế trọng điểm chỉ đứng thứ 2 sau TPHCM.